Xác người chết đói đầy đường phố Hà Nội, xe bò chở đi chôn không xuể, phải dùng xe tải. Ảnh tư liệu.“Ngày nào mở mắt ra cũng thấy người chết đói nằm ở vệ đường, góc phố. Sáng sớm, những chiếc xe bò lại đi khắp đường phố lượm xác người chết đói. Xác cứ chất đầy trên những xe. Có người bị quẳng lên xe rồi còn thều thào Tôi chưa chết”, ông Nguyễn Văn Ngô nhớ lại. Đám trẻ con bị bỏ rơi, hoặc bố mẹ chết thì lê lết nhặt lá bánh, vỏ cây, rác rưởi nhét vào miệng.Hồi ký Lê Văn Ngọ miêu tả nạn đói ở Hà Nội: “Người chết hẳn, người sắp chết rải rác trong chợ, trong các ngõ, nằm gối đầu lên manh chiếu hay cái bị rách, nhặng xanh bâu đầy mặt. Tử khí nặng nề u uất… Mấy con chó đói tha về trong xóm những khúc chân, tay trẻ con chết đói. Rùng rợn, thê thảm”.Người chết đói trong phố quá nhiều, các nhóm hội đã tình nguyện đi thu gom xác chết. Ông Đặng Văn Việt (96 tuổi, ngõ 125 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) là một trong số đó. Vốn quê gốc Nghệ An, ra Hà Nội học ĐH Y từ năm 1942. Khi Nhật đảo chính Pháp trên toàn cõi Đông Dương vào đầu tháng 3/1945, trường học đóng cửa, ông không về quê mà ở lại tham gia làm từ thiện.Bằng những đồng tiền của chị gái cho, ông đã cùng các bạn trong đội hướng đạo sinh đi thuê xe kéo, mua sắm những vật dụng bảo hộ chuẩn bị cho việc thu gom xác người chết đói ở Hà Nội mang đi chôn. Ông kể, cả đoàn lúc đấy thuê được 10 xe ở khu vực cuối đường Đại Cồ Việt bây giờ, mỗi xe do 4 người phụ trách, ông là tổ trưởng phụ trách một xe.Công việc bắt đầu từ 6h sáng, mọi người tập trung ở hồ Hale (nay là hồ Thiền Quang), xe kéo đã được xích sẵn ở đó. Đoàn của ông chia nhau đi các phố như Quang Trung, Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều, Trần Quốc Toản, ga Hàng Cỏ, hồ Hale, hồ Hoàn Kiếm…, ở đâu có người chết là nhặt cho lên xe. Vì bị đói lâu ngày, xác chết cứ khô đét, chỉ còn xương, da nhăn nheo, xám ngoét.Ông Việt ám ảnh nhất là trong một lần đi gom xác chết bắt gặp cảnh bà mẹ bị chết đói ở bãi cỏ, gần hồ Hale, nhưng đứa con chưa đầy một tuổi vẫn mải miết bú bầu vú chỉ còn lại nhúm da. Ông phải tách đứa bé ra khỏi mẹ, đưa về trại tế bần ở khu vực hàng Trống bây giờ.
Ông Nguyễn Văn Việt: “Những ngày cùng các bạn tráng sinh đi nhặt xác chết về chôn cất đã để lại trong tâm trí tôi vết đau mãi không phai mờ”. Ảnh: Phương Hạnh.Mỗi chuyến xe các ông chở được 10 đến 15 xác, mỗi ngày 5-6 chuyến kéo theo đường Giải Phóng bây giờ, xuôi về khu Giáp Bát, làng Tám để chôn. Những người trong hội tế bần đào sẵn hố, mỗi hố rộng chừng 10-15 m2, sâu chừng 1,5 m. Xác được xếp vào hố, hết lớp này đến lớp khác, đủ 100-200 người thì lấp đất, nén chặt rồi thắp một bó hương khấn cầu cho hồn phách những người xấu số được siêu thoát lên miền cực lạc.“Buổi trưa mọi người trong hội tế bần lót dạ bằng cái bánh mì 5 xu mua dọc đường và kết thúc công việc lúc 18-19h tối. Công việc hàng ngày cứ đều đặn suốt gần 2 tháng trời, khi xác chết ở Hà Nội gần như vãn hết”, ông Việt kể và chia sẻ thêm, sau mỗi ngày làm việc dù mặc đồ bảo hộ, tắm rửa, nhưng cái mùi hôi hám, tử khí vẫn không mất.70 năm đã trôi qua, giờ Hà Nội đã mở rộng và thay đổi rất nhiều, 4 quận nội thành xưa không còn những dấu tích của người chết đói. “Tuy nhiên, những hình ảnh thảm thương về nạn chết đói của đồng bào năm 1945 và hình ảnh những ngày cùng các bạn tráng sinh đi nhặt xác chết về chôn cất đã để lại trong tâm trí tôi những vết đau mãi không phai mờ”, ông Việt chia sẻ.Cách đây 70 năm, Hà Nội thành trung tâm, nơi nạn nhân bị đói đổ về, hy vọng tìm được miếng ăn giữ mạng sống.
Trên đường phố tại Phủ Lý (Hà Nam) năm 1945, hai em bé đổ cháo vào miệng bố, nhưng cháo chảy ngược ra ngoài vì hàm răng người bố đã cứng, không khép lại được.

Khi chụp bức ảnh này, nghệ sĩ Võ An Ninh được cho biết, cha mẹ các em đều đã chết vì đói

Trẻ em mút vỏ ốc thối nhặt được trên đường phố Nam Định.

Đồng bào bị đói từ Nam Định, Thái Bình, Phủ Lý, Hải Phòng, Hải Dương kéo nhau về Hà Nội để xin ăn. Trong lúc ngồi chờ phát chẩn, nhiều người chưa kịp nhận phần đã lăn ra chết.

Đỉnh điểm của nạn đói, tháng 3/1945, xác người chết đói la liệt trên đường phố Hà Nội, không thể phân biệt nam nữ, già trẻ. Tình nguyện viên nhặt được là dồn một chỗ chờ xe đến chở đi chôn.

Tại Hà Nội, xác người chết được tập trung về các góc đường.

Bãi chợ Hàng Da (Hoàn Kiếm), hàng nghìn nạn nhân từ khắp các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương… lê lết xin cứu tế.

Trước chợ Cửa Nam (Hoàn Kiếm), những nạn nhân còn đủ sức cất bước đi thành từng đoàn người về trại Giáp Bát và Viện Tế bần (sau phố Sinh Từ – Nguyễn Khuyến ngày nay).

Nạn nhân đói tại trại Giáp Bát.

Để tìm đường sống, nhân dân nhiều nơi cướp lại gạo, thóc của phát xít Nhật để ăn. Trong ảnh, người dân chặn đường giành lại thóc trên đường Hà Nội – Hà Đông, bị lính Nhật đánh đập dã man.

Quét những hạt gạo rơi vãi trên đường phố Hà Nội.

Xương sọ người chết đói 1945 được xếp lại trong hầm tại nghĩa trang Hợp Thiện, Hà Nội.

Mùa xuân năm 1951, ngày lễ chôn cất những nạn nhân chết đói 1945 được tổ chức tại hầm hài cốt nghĩa trang Hợp Thiện, Hà Nội.
Ảnh Võ An Ninh/Bảo tàng Lịch sử Việt Nam
Gửi nhận xét của bạn